Tình hình Sinh học bảo tồn

Bối cảnh và xu hướng thì các nhà sinh học bảo tồn nghiên cứu về xu hướng và quá trình từ cổ sinh vật trong quá khứ tới hình thái hiện tại để có những hiểu biết về bối cảnh liên quan tới tuyệt chủng. Trong đó có năm đợt tuyệt chủng hàng loạt trên toàn cầu bao gồm: kỷ Ordovic (440 triệu năm trước), Devon (370 triệu năm trước), Permi-Trias (245 triệu năm trước), Trias-Jura (200 triệu năm trước), và kỷ Creta-Paleogen (66 triệu năm trước).

Trong 10.000 năm qua, ảnh hưởng của con người lên các hệ sinh thái của Trái Đất là rất lớn gây khó khăn cho các nhà khoa học trong việc ước tính số lượng các loài bị mất; và tốc độ phá rừng, phá hủy rạn san hô, mất nước trong các vùng ngập nước và các tác động khác đang diễn ra nhanh hơn so với những gì con người đánh giá về số lượng các loài. Gần đây nhất, Báo cáo đời sống hành tinh (Living Planet Report) do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên đã ước tính rằng bản thân Trái Đất đã không đủ khả năng tái tạo sinh học, đòi hỏi gấp 1,5 lần Trái Đất mới đủ cung cấp cho các nhu cầu của con người hiện tại.

Đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 được các nhà sinh học bảo tồn vẫn đang nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng chỉ ra rằng chính con người sẽ gây ra sự tuyệt chủng nhanh chóng và đồng loạt thứ 6 trên hành tinh. Đã có những đề xuất rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà số lượng các loài tuyệt chủng ở con số chưa từng thấy, còn được gọi là sự kiện tuyệt chủng Holocene. Tỷ lệ tuyệt chủng toàn cầu có thể cao hơn sự tuyệt chủng tự nhiên khoảng 100.000 lần. Ước tính có khoảng hai phần ba trên toàn động vật có vú và một nửa động vật có vú khối lượng ít nhất 44 kg đã tuyệt chủng trong 50.000 năm qua.

Các báo cáo đánh giá toàn cầu về các loài lưỡng cư (Global Amphibian Assessment) chỉ ra rằng động vật lưỡng cư đang suy giảm nhanh chóng hơn bất kì nhóm động vật có xương sống khác, với hơn 32% các loài còn sống sót đang bị đe dọa tuyệt chủng và 43% trong số đó đang suy giảm nhanh chóng. Từ giữa những năm 1980, tỷ lệ tuyệt chủng thực tế đã vượt quá 211 lần so với mức đo từ hóa thạch. Tuy nhiên, "Tốc độ tuyệt chủng hiện nay của lưỡng cư có thể dao động từ 25.038 đến 45.474 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng tự nhiên". Các xu hướng tuyệt chủng trong các nhóm có xương sống quan trọng đang được theo dõi, chẳng hạn, 23% động vật có vú và 12% các loài chim đã được đưa vào sách đỏ của IUCN do đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Về tình trạng của biển và các rạn san hô thì các đánh giá toàn cầu về rạn san hô trên Thế giới đã báo cáo về việc suy giảm mạnh mẽ và nhanh chóng của san hô. Đến năm 2000, 27% các hệ sinh thái rạn san hô đã biến mất. Sự suy giảm lớn nhất xảy ra vào năm 1998 trong đó khoảng 16% rạn san hô trên Thế giới biến mất trong chưa đầy một năm. Sự biến mất này là do các yếu tố áp lực môi trường, bao gồm nhiệt độ và nồng độ acid trong nước biển tăng, làm chết cả rạn san hô lẫn tảo cộng sinh.

Sự suy giảm và nguy cơ tuyệt chủng của đa dạng sinh học rạn san hô đã tăng đáng kể trong mười năm qua và được dự đoán là sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới, điều này gây ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, đe dọa sự cân bằng của đa dạng sinh học toàn cầu, cũng như an ninh lương thực. Các đại dương đang bị đe dọa bởi quá trình acid hóa do gia tăng nồng độ CO2, và mối quan tâm là các sinh vật biển không thể phát triển hoặc thích nghi để đáp ứng với những thay đổi đó. Triển vọng khi ngăn ngừa tuyệt chủng hàng loạt vẫn chưa đưa lại tác dụng khi 90% các loài cá lớn (trung bình khoảng ≥50 kg) như cá ngừ đại dương, billfishes, cá mập... đã biến mất, và với xu hướng tuyệt chủng hiện nay thì đại dương sẽ chỉ còn vài sinh vật đa bào còn sót lại cùng với các vi sinh vật.

Các nhóm sinh vật khác ngoài động vật có xương sống: Mối quan tâm quan trọng khác nhưng lại không được chú ý nhiều như động vật có xương sống bao gồm nấm, động vật không xương sống (đặc biệt là côn trùng) và các quần xã thực vật, đây là những nhóm có tầm quan trọng then chốt cho bảo tồn sinh học. Nấm là nhân tố cộng sinh ở rễ, là sinh vật phân hủy và do đó rất cần thiết cho sự bền vững của rừng.

Vai trò của côn trùng trong sinh quyển là rất quan trọng vì chúng chiếm số lượng lớn về sự phong phú các loài, tuy nhiên chúng lại chịu những phản ứng tiêu cực từ xã hội khi có vẻ ngoài thiếu thẩm mỹ. Hiện tượng được nghiên cứu nhiều là sự biến mất bí ẩn của những đàn ong mật khi chỉ còn những cái tổ rỗng hoăc sự suy giảm bầy đàn, trong khi các con ong mật đóng vai trò quan trọng qua việc thụ phấn. Nguyên nhân được dự đoán có thể là do sâu bệnh, thuốc trừ sâu và sự nóng lên toàn cầu.

Bảo tồn sinh học các loài ký sinh trùng: Một số lượng lớn các loài ký sinh trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Một vài loài trong số đó đang bị tận diệt khi được cho là gây hại cho người và động vật, tuy nhiên hầu hết trong số đó là vô hại. Mối đe dọa gồm sự suy giảm hoặc tuyệt chủng của vật chủ.

Các mối đe dọa đến đa dạng sinh học: Dịch bệnh và biến đổi khí hậu đang đe dọa tới đa dạng sinh học kể cả trong khu bảo tồn làm cho chúng trở nên "không thể bảo vệ" (điển hình như công viên quốc gia Yellowstone). Biến đổi khí hậu gây một vòng tuần hoàn giữa tuyệt chủng loài và tăng CO2 trong khí quyển. Các hệ sinh thái và chu kỳ carbon quy định các điều kiện khí quyển toàn cầu. Ước tính mối đe dọa tuyệt chủng vào khoảng 15-37% các loài vào năm 2050 hoặc 50% trong 50 năm tới. Những mối đe dọa lớn và âm ỉ tới đa dạng sinh học và quá trình sinh thái bao gồm biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp quá mức, phá rừng, chăn thả gia súc không kiểm soát, phát triển đô thị, thương mại hóa động vật hoang dã, ô nhiễm ánh sáng và thuốc trừ sâu.

Sự chia cắt các sinh cảnh cũng là khó khăn khi các khu bảo tồn chỉ chiếm 11,5% bề mặt Trái Đất. Việc mở đường là một nguyên nhân của sự chia cắt, cũng là nguyên nhân trực tiếp của nguy cơ mất các loài động vật. Hệ quả quan trọng để lại là giảm việc di cư của các loài động vật gây gián đoạn trong chuỗi thức ăn. Quản lý bảo tồn và quy hoạch cho sự đa dạng sinh học ở tất cả các cấp độ từ gen tới các hệ sinh thái để con người và thiên nhiên cùng tồn tại một cách bền vững. Tuy nhiên, điều này có thể là quá muộn để có thể đảo ngược trước sự tuyệt chủng hàng loạt hiện nay.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sinh học bảo tồn http://www.ecology.uq.edu.au/docs/SoC_Brazil_2005/... http://web2.uwindsor.ca/courses/biology/macisaac/5... http://www.michaelsoule.com/resource_files/85/85_r... http://www.ldeo.columbia.edu/edu/dees/V1003/lectur... http://www.law.cornell.edu/uscode/html/uscode16/us... http://www.bio.sdsu.edu/pub/regan/Currencyandtempo... http://cat.inist.fr/?aModele=afficheN&cpsidt=20189... http://frwebgate.access.gpo.gov/cgi-bin/getdoc.cgi... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10821285 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11538288